GIÁO DỤC THẨM MỸ TRONG TRƯỜNG MẦM NON
Lượt xem:
Giáo dục thẩm mỹ và sáng tạo nghệ thuật cho trẻ trong trường mầm non
Giáo dục thẩm mỹ là một phần rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát triển trí tuệ của trẻ em. Thông qua giáo dục thẩm mỹ, trẻ em hiểu được cái hay cái đẹp của cuộc sống, từ đó có cách ứng xử tốt đẹp với gia đình và những người xung quanh. Những năm đầu đời là những năm trí não trẻ đạt được hiệu suất tối đa để lĩnh hội kiến thức vì vậy cần có những nội dung và phương pháp phù hợp để giáo dục trẻ.
Vai trò giáo dục thẩm mỹ và nghệ thuật trong trường mầm non
Giáo dục thẩm mỹ và nghệ thuật gắn liền nhau không thể tách rời. Giáo dục thẩm mỹ được thực hiện qua các hoạt động nghệ thuật như hát nhạc, hội họa, tạo hình,… đồng thời nghệ thuật có tác động trở lại với hiệu quả nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho các bé. Trước hết, hãy tìm hiểu vai trò của nghệ thuật đối với người học.
Nghệ thuật chính là chiếc cầu nối giúp con người đi đến thế giới của cái đẹp, của tình yêu và lòng nhân hậu. Trẻ em đến với đạo đức cũng thông qua cái đẹp, thông qua việc nhìn những tấm gương, những hành động đẹp để noi theo. Trẻ dần hiểu được thế nào là xấu – đẹp, hay – dở, đúng – sai,… Khi nhận thức được cuộc sống với những điều tích cực nhất sẽ khiến trẻ có nhân sinh quan sáng rõ, khiến trẻ mãnh mẽ và tự tin.
Nghệ thuật cung cấp những kiến thức tổng hợp nhất cho người học. Bởi nghệ thuật bắt nguồn từ thực tế cuộc sống cho nên mọi tác phẩm nghệ thuật phản ánh cuộc sống. Qua những bài thơ, lời hát hay những bức tranh trẻ có thể hiểu về thế giới mình đang sống, cách thức mọi người lao động, vận hành và sống. Từ đó lĩnh hội được nhiều kiến thức hơn.
Nghệ thuật thúc đẩy năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho trẻ em. Mỗi trẻ em hình thành một thế giới quan, một nhân sinh quan khác nhau trong quá trình tiếp xúc với nghệ thuật. Nhưng để hiểu, để lĩnh hội được hết cái hay cái đẹp của một tác phẩm nghệ thuật cần có những kiến thức nhất định. Điều đó đòi hỏi mỗi trẻ cố gắng rèn luyện, nâng cao khả năng cảm thụ của mình. Giúp trẻ chăm chú lắng nghe, kích thích sự sáng tạo của trẻ chính là biện pháp hữu hiệu nâng cao khả năng cảm thụ thẩm mỹ cho trẻ.
Để giáo dục thẩm mỹ phát huy hiệu quả thông qua việc tổ chức các hoạt động giáo dục nghệ thuật trong trường mầm non cho trẻ không phải là điều đơn giản. Nếu đơn thuần chỉ cho trẻ học để biết thì trẻ sẽ mau quên và không lĩnh hội được nhiều kiến thức. Cần phải có nhiều hoạt động phù hợp trong trường mầm non để bản thân mỗi trẻ có thể phát huy được năng khiếu nghệ thuật đồng thời nâng cao năng lực thẩm mỹ của mình.
Giáo dục thẩm mỹ và nghệ thuật cho trẻ ở trường mầm non là:
Hình thành cuộc sống tươi vui xung quanh trẻ
Mọi thứ trong tầm nhìn của trẻ đều có tác động trực tiếp lên cảm xúc mỗi ngày và cảm nhận thẩm mỹ. Vì vậy đồ đạc ở lớp cần được xếp đặt gọn gàng, ngay ngắn, hài hòa. Từ bàn ghế đến những bức tranh treo trên tường, từ chiếc rèm cửa đến những góc học tập nho nhỏ. Thế giới xung quanh trẻ cần được tô điểm bởi những màu sắc tươi vui.
Nếu được các cô hướng dẫn chủ động sử dụng các đồ vật, dụng cụ học tập trẻ sẽ thích thú và chủ động trong việc học tập và sinh hoạt tại trường mầm non.
Tạo cảm hứng cho trẻ từ thiên nhiên
Các lớp học ở trường mầm non đã chú trọng nhiều hơn tới việc xây dựng Góc Thiên nhiên. Các giờ học về tự nhiên cũng chiếm nhiều thời lượng hơn trong chương trình học và chơi. Thiên nhiên luôn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên tâm hồn những đứa trẻ. Nhìn ngắm, tìm hiểu, tận hưởng thiên nhiên là những điều mỗi đứa trẻ đều muốn trải qua.
Ngoài các hoạt động học, các bé còn được đi trải nghiệm ngoài trời, vườn cây hoặc các khu sinh thái. Các bé thích thú trồng hoa, tưới cây, nhặt cỏ… hoặc đơn giản là nằm dài dưới những bóng cây nghe các cô kể chuyện. Các bé thấy yêu đời hơn, tinh thần tốt hơn, có hứng khởi để đón nhận những điều tốt đẹp khác nữa.
Việc cho các bé tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật luôn mang lại những hiệu quả tuyệt vời hơn cả. Bởi bé được nhìn ngắm, lắng nghe, cảm nhận và hiểu theo một cách riêng. Tâm hồn cảm xúc và thẩm mỹ của bé phát triển theo chiều hướng tích cực nhất.
Đưa trẻ đến với văn học bằng những câu chuyện, đến với âm nhạc bằng những bài hát, đến với hội họa bằng những tranh vẽ,.. Có thể cho bé đi xem phim, kịch để bé làm phong phú hơn thẩm mĩ của mình.
Các hoạt động của trẻ ở trường mầm non rất quan trọng trong việc giáo dục thẩm mỹ và nghệ thuật cho bé. Được hoạt động nhiều các bé được thẩm thấu kiến thức càng nhiều, càng lâu. Những hoạt động thiết thực đó tạo môi trường để bé phát triển trí tuệ và đặt nền móng nhân cách trong những năm đầu đời./.